Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và phù hợp sẽ giúp chúng ta hoàn thành tốt mọi công việc. Thông thường, chế độ ăn của một người trong ngày thường được chia thành 3 bữa: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Trong đó bữa trưa là bữa cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể nhất.
Để có một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, bạn cần đảm bảo sự cân bằng giữa các nhóm chất gồm có tinh bột, chất đạm (protein), chất béo và nhóm vitamin, chất khoáng.
- Tinh bột là một loại thực phẩm cung cấp năng lượng cho hầu hết các hoạt động và chức năng quan trọng trong cơ thể, hỗ trợ sự phát triển não và hệ thần kinh, chiếm từ 65-70% khẩu phần ăn (chủ yếu từ các loại ngũ cốc, gạo, khoai, ngô,…)
- Chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật, thường chiếm 12-14% khẩu phần ăn. Thực đơn dinh dưỡng cho người trưởng thành cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (như thịt, cá, trứng, sữa…) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ…)
- Chất béo là chất dinh dưỡng đa lượng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, thường chiếm 18-20% khẩu phần ăn. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên sử dụng hạn chế trong thực đơn dinh dưỡng cho người trưởng thành. Các loại dầu thực vật cũng thường có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ trong chế độ dinh dưỡng cho người trưởng thành như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải,…
- Vitamin và chất khoáng cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó rau, quả còn chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính không lây.
Ngoài ra, để bữa ăn thêm ngon miệng và không bị nhàm chán, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
- Không nên thêm quá nhiều các món xào, rán, nướng vào thực đơn
- Nên tăng cường ăn các món luộc, hấp để không giảm mất các chất dinh dưỡng và không làm biến đổi thực phẩm thành các chất có thể gây tác hại cho sức khỏe.
- Nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe.
Một bữa trưa hoàn hảo không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà còn phải tiết kiệm và hợp túi tiền. Các mẹo sau đây sẽ giúp các chị em giải quyết bài toán đau đầu này.
- Lập ngân sách cho từng tuần
Lập ngân sách là bước đầu tiên và là bước quan trọng nhất để chi tiêu hiệu quả và tiết kiệm. Vì vậy, hãy tập cho mình thói quen lập ngân sách từng tuần và để riêng tiền đi chợ mỗi ngày để tránh việc chi tiêu quá tay.
- Kiểm tra tủ lạnh trước khi đi chợ và tận dụng những gì đang có
Kiểm tra những gì còn lại trong tủ lạnh và hạn sử dụng của từng thực phẩm để biết những gì có thể sử dụng cho ngày tiếp theo. Có thể lên thực đơn dựa trên những gì có sẵn trong tủ lạnh để tiết kiệm chi phí.
- Lên thực đơn và lập danh sách các thực phẩm cần mua
Trước khi đi chợ, hãy đảm bảo rằng mình đã có sẵn thực đơn và danh sách các nguyên liệu cần mua. Việc lên trước danh sách cần mua sẽ giúp bạn đảm bảo được đúng thực đơn mong muốn lại vừa tiết kiệm được thời gian đi chợ.
- Mang tiền vừa đủ
Sau khi đã có danh sách các đồ cần mua, bạn sẽ dễ dàng dự trù được chi phí cần thiết và chỉ nên mang vừa đủ số tiền cần chi để đảm bảo đúng ngân sách đã lập trước đó. Mang quá nhiều sẽ dễ bị chi quá tay và bội chi so với dự tính ban đầu.
Đủ dinh dưỡng và tiết kiệm là yếu tố luôn song hành để có một một bữa trưa hoàn hảo. Hy vọng sau bài viết này các mẹ có thể trở thành những bà nội trợ thông thái và có thể làm ra những bữa ăn thật ngon cho gia đình.